
Chuẩn bị bữa ăn đa dạng với nồi lẩu điện
Chuẩn bị bữa ăn đa dạng với nồi lẩu điện
Không chỉ để ăn lẩu, bạn còn có thể nấu được cả một mâm cơm đa dạng, ngon bổ chỉ với một chiếc nồi lẩu đa năng. Thật khó tin phải không nào? Hãy cùng chúng tôi khám phá công thức nấu ăn bằng nồi lẩu điện đa đăng để cho cả gia đình cùng thưởng thức nhé!
Tìm hiểu về nồi lẩu điện
Nồi lẩu điện là loại nồi có cấu tạo đơn giản giống như một chiếc nồi nấu bình thường nhưng hoạt động bằng điện. Loại nồi này ngày càng phổ biến và có mặt trong các gia đình Việt Nam. Nguyên nhân đơn giản chính là món lẩu rất được yêu thích. Sử dụng nồi lẩu điện cũng rất tiện lợi, nhỏ gọn mà lại tiết kiệm năng lượng.
Nồi lẩu điện có rất nhiều loại, chẳng hạn như: nồi lẩu điện mini, nồi lẩu điện kèm khay nướng, nồi lẩu điện đa năng… Trong đó, nồi lẩu điện đa năng được ưa chuộng nhiều bởi giá thành phải chăng, trong khi lại có thể sử dụng cho nhiều mục đích nấu nướng khác nhau. Bạn có thể sử dụng nồi để nấu lẩu, hầm canh, nấu súp, thậm chí là chiên, xào mà vẫn giữ được hương vị thơm ngon của món ăn. Ưu điểm chung của nồi lẩu đa năng chính là:
– Thiết kế gọn nhẹ, dễ dàng di chuyển, đồng thời có thể đặt trên bàn ăn, trên mặt sàn để cả gia đình cùng quây quần thưởng thức món ăn. Sự nhỏ gọn cũng rất thuận tiện cho việc bảo quản, không tốn diện tích nhà bếp.
– Nồi có công suất khá lớn nên giúp làm nóng nhanh, thức ăn mau chín hơn. Bộ điều khiển có thể điều chỉnh nhiệt độ phù hợp từ thấp đến cao tùy theo nhu cầu.
– So với các loại bếp hồng ngoại, bếp từ hay bếp gas thì nồi lẩu điện tiêu hao ít năng lượng hơn.
– Lòng nồi được phủ chống dính và thiết kế tách rời, dễ dàng vệ sinh, hạn chế bám dính thức ăn.
– Giá thành phải chăng, chỉ dao động từ 400 – hơn 1 triệu đồng, trong khi có thể đáp ứng nhiều nhu cầu nấu nướng khác nhau.
Món ăn ngon chỉ với nồi lẩu điện đa năng
Nồi lẩu điện đa năng có thể dùng để nấu các món nước như: lẩu, hầm canh, nấu súp… Nhưng chưa hết đâu nhé, bạn còn có thể dùng nồi lẩu điện đa năng để nấu cơm, chiên, xào thức ăn, ủ sữa chua…, thậm chí là các món nước. Dưới đây là một số công thức món ăn thông dụng mà hôm nay chúng tôi chia sẻ.
-
Súp gà, ngô, nấm bổ dưỡng
Nguyên liệu:
- Đùi gà: 1 cái lớn
- Nấm đùi gà: 500gr
- Bắp mỹ: 1 trái
- Chả lụa: 50gr
- Cà rốt: ½ củ
- Trứng gà: 2 quả
- Nguyên liệu khác: Hành lá, hành phi, bột năng, gia vị thông dụng…
Thực hiện:
+ Rửa sạch đùi gà với nước muối và nước sạch, sau đó xẻ đôi.
+ Nấm đùi gà, cà rốt cũng rửa sạch, cắt hạt lựu. Bắp mỹ tách lấy hạt, chả lụa cắt hạt lựu.
+ Pha 4 muỗng canh bột năng với khoảng ½ chén nước rồi khuấy đều cho tan.
+ Cho khoảng 1 lít nước vào nồi lẩu điện đa năng rồi cho đùi gà vào để luộc. Cài đặt mức nhiệt độ cao nhất để luộc gà, khi sôi thì giảm dần lại. Đợi khoảng 30 phút cho đùi gà chín thì vớt ra, để nguội bớt rồi xé nhỏ thịt.
+ Nước luộc gà để nguyên và cho thêm bắp, cà rốt vào nấu khoảng 15 phút ở nhiệt độ vừa. Tiếp đến cho thêm nấm đùi gà, chả lụa và thịt gà xé vào nấu thêm 10 phút.
+ Nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi đập thêm 2 quả trứng gà lọc qua rây, khuấy đều cho trứng chín. Cuối cùng, cho bột năng đã hòa tan vào nồi súp rồi khuấy đều, nấu thêm 5 phút là được.
Vậy là bạn đã có ngay món súp gà bổ dưỡng và nóng hổi để thưởng thức. Chỉ cần múc ra tô, thêm hành lá, ngò, hành phi vào là xong. Với nồi lẩu điện đa năng, bạn cũng có thể làm các món súp tương tự như súp cua, súp bào ngư, súp rau củ chay…
-
Cá hồi rim chanh
Nguyên liệu:
- Phi lê cá hồi: 4 – 6 miếng tùy theo khẩu phần ăn
- Nước lọc: 2 chén
- Rượu trắng: 1 chén
- Chanh: 1 trái
- Hành tím: 1 củ
- Nước cốt chanh
- Khác: 1 lá nguyệt quế, 5 – 6 cây thì là, gia vị như muối, tiêu, dầu olive
Thực hiện:
+ Phi lê cá hồi rửa sạch. Chanh và hành tím cắt lát.
+ Cho nước lọc, rượu, chanh, hành tím, lá nguyệt quế và lá thì là đã chuẩn bị vào nồi lẩu điện đa năng. Thêm tiêu và muối vào, nấu ở nhiệt độ cao trong vòng 30 phút.
+ Phi lê cá hồi rắc thêm một ít muối và tiêu lên bên trên rồi cho vào nồi hầm chung. Chú ý để phần da cá hồi nằm bên dưới.
+ Nấu ở nhiệt độ thấp cho đến khi cá hồi có màu đục và dễ dàng tách ra là được. Bạn có thể kiểm tra độ chín của cá sau mỗi 45 phút nấu. Chú ý nấu ở nhiệt độ thấp thôi nhé, hoặc cũng có thể nấu với chế độ giữ ấm của nồi lẩu điện đa năng trong vòng vài giờ.
+ Sau khi cá hồi chín, lấy ra dĩa, rắc thêm 1 ít muối thô và dầu olive lên. Cuối cùng rưới lên một ít nước cốt chanh và thưởng thức.
-
Cà ri gà khoai môn
Nguyên liệu:
- Gà: 1 con làm sạch, khử mùi, tách riêng lòng
- Khoai môn: 10 củ rửa sạch
- Khoai lang: 1 củ (có thể không cần)
- Cà rốt: 2 củ – rửa sạch, gọt vỏ
- Hành tây: 1 củ
- Nước cốt dừa: 2 lít
- Dầu cà ri: 3 muỗng canh
- Nguyên liệu khác: 1 nhánh sả, 1 ít sả băm, ngò, tỏi phi, hành tím băm, ớt, gia vị
Các bước thực hiện:
+ Mở nồi lẩu điện đa năng, cho nước và khoai môn vào luộc khoảng 15 phút sau đó vớt ra. Chờ khoai môn nguội bớt thì bóc vỏ và cắt miếng nhỏ.
+ Cà rốt cắt thành các khoanh tròn dày bằng nửa lóng tay, tỉa hoa tùy thích. Hành tây cắt múi cau.
+ Thịt gà đem chặt miếng vừa ăn, sau đó ướp 1 muỗng canh tỏi phi, 1 muỗng hạt nêm và 1 muỗng muối. Ướp trong vòng 15 phút để thấm gia vị.
+ Sau khi ướp xong, mở nồi lẩu điện ở nhiệt độ vừa, cho dầu cà ri vào nồi. Khi dầu cà ri nóng thì cho phần hành tím băm, sả băm và sả cắt khúc vào xào thơm. Tiếp đến cho gà vào xào chung từ 7 – 10 phút, đến khi săn đều là được. Cuối cùng, cho thêm nước cốt dừa vào và tăng nhiệt độ lớn nhất để nấu sôi. Khi sôi thì giảm nhiệt độ xuống mức vừa.
+ Cho đường, muối, hạt nêm mỗi thứ ½ muỗng rồi đun trong 10 phút cho gà mềm. Tiếp tục cho cà rốt vào nấu trong 3 phút rồi mới cho khoai môn vào vì cà rốt lâu chín hơn. Nấu thêm 7 phút nữa rồi cho phần hành tây đã chuẩn bị vào.
+ Khi cà ri đã chín, bạn cho phần nước cốt dừa vào, nêm nếm lại lần nữa cho vừa ăn, tắt bếp và múc ra tô để thưởng thức thôi.
-
Gà hầm hạt sen táo đỏ
Nguyên liệu:
- Gà ta: 1 con
- Hạt sen: 100g
- Táo đỏ: 40g
- Nấm hương khô: 50g
- Nguyên liệu khác: 1 củ cà rốt, 1 quả chanh, hành lá và các loại gia vị thông dụng
Các bước thực hiện:
+ Gà làm sạch, khử mùi tanh. Có thể dùng chanh để chà sạch gà rồi rửa lại bằng nước sạch và để ráo.
+ Hạt sen rửa sạch, loại bỏ hạt hư. Táo đỏ khô ngâm trong nước ấm khoảng 10 phút. Nấm hương bỏ gốc và ngâm trong nước muối pha loãng tầm 30 phút cho mềm. Cà rốt gọt vỏ, cắt khúc vừa ăn.
+ Mở nồi lẩu điện đa năng, cho gà, táo đỏ, hạt sen vào nồi và đổ nước cho vừa ngập gà. Tăng nhiệt độ lên mức cao nhất và nấu sôi. Khi sôi thì hầm ở nhiệt độ thấp vừa để cho gà chín.
+ Tiếp tục cho nấm, cà rốt, nấm hương vào và tiếp tục hầm thêm khoảng 1 tiếng.
+ Nêm nếm vừa ăn và tắt bếp, cho thêm hành ngò vào và thưởng thức.
Lưu ý, trong quá trình hầm gà, hãy vớt bọt thường xuyên để cho nước trong nhé. Về gà có thể hầm nguyên con hoặc chặt miếng vừa nếu diện tích nồi lẩu nhỏ.
Lưu ý khi nấu ăn với nồi lẩu điện đa năng
Không thể phủ nhận nồi lẩu điện đa năng là một sản phẩm đầy tiện ích trong gian bếp của gia đình. Tuy nhiên, nồi lẩu đa năng có nhiều loại, và tùy mỗi loại mà sẽ sử dụng được với nhiều mục đích khác nhau. Chẳng hạn như nồi lẩu nướng đi kèm cả khay nướng và nồi lẩu, nồi lẩu điện có chức năng chiên, xào… Bạn nên sử dụng đúng khuyến cáo sử dụng từ nhà sản xuất để đảm bảo tuổi thọ sử dụng cho sản phẩm.
Bên cạnh đó, khi dùng nồi lẩu điện để nấu ăn, chỉ nên dùng các dụng cụ nấu nướng bằng gỗ hoặc chất liệu an toàn. Không dùng các loại dụng cụ có cạnh sắc nhọn vì nó sẽ làm tróc lớp chống dính phủ trong lòng nồi. Với việc vệ sinh nồi sau khi sử dụng cũng vậy. Bạn có thể làm sạch bằng xốp mềm và nước rửa chén, không dùng miếng rửa chén cứng hoặc chà xoong kim loại.
Xem thêm: Toàn tập cách sử dụng và bảo quản nồi lẩu điện
Hi vọng với những công thức món ăn trên, bạn có thể sáng tạo và thỏa thích nấu những bữa ăn ngon cho gia đình, người thân chỉ với chiếc nồi lẩu điện đa năng gọn nhẹ.